Doanh nghiệp điều kêu khó chồng khó vì quy định kiểm dịch

Doanh nghiệp điều kêu khó chồng khó vì quy định kiểm dịch

Theo các doanh nghiệp điều, những nước nhập chỉ kiểm tra hạt chế biến với tỷ lệ 1% nhưng trong nước kiểm 100% gây tốn kém thời gian và chậm đà xuất khẩu.

Thông tin trên được ông Vũ Thái Sơn – Chủ tịch Hội điều Bình Phước – phản ánh tại hội nghị phổ biến quy định về kiểm dịch thực vật, chiều 28/9 ở TP HCM.

Ông Sơn cho hay chưa năm nào các doanh nghiệp điều gặp khó như lúc này. Hiện hoạt động xuất khẩu ì ạch, giá xuống thấp khiến họ thua lỗ. Gần đây, các doanh nghiệp tiếp tục “khó chồng khó” khi cơ quan kiểm dịch bố trí cán bộ đi kiểm 100% các lô hạt điều chế biến đã đăng ký xuất khẩu tại các nhà máy.

“Với tỷ lệ kiểm dịch tối đa, lực lượng thực thi lại hạn chế và các nhà máy điều ở xa khiến doanh nghiệp chờ đợi tốn nhiều thời gian, bị động trong việc thực hiện đơn hàng và chậm xoay vòng vốn”, ông nói.

Theo ông Sơn, trong quá trình sản xuất, nhân hạt điều đã được làm chín rất kỹ. Điều thô được hấp ở nhiệt độ trên 100 độ C, thời gian hơn 30 phút. Tiếp theo, nhân điều có vỏ lụa được sấy ở nhiệt độ từ 70 đến 80 độ C trong 18 tiếng, tức sản phẩm được thanh trùng. Sau đó, nhân hạt điều được xử lý hun trùng trước khi đóng gói chân không (môi trường không có oxy) trong bao PE/PP, thời gian bảo quản là 24 tháng.

“Với các bước trên, hạt điều đã là thực phẩm nấu chín, rất khó có côn trùng trong sản phẩm xuất khẩu. Do đó, tôi thấy không cần kiểm dịch 100% lô hàng như hiện nay”, ông Sơn chia sẻ.

Dẫn chứng từ các quốc gia trên thế giới, ông Sơn cho biết Mỹ và Australia có quy định kiểm dịch thực vật ngặt nghèo nhưng hạt điều Việt Nam vào đây, họ chỉ kiểm tra với tỷ lệ chưa đến 1%. Vì họ coi hạt điều là thực phẩm đã được làm chín, đóng gói kỹ nên không nguy hại đến môi trường.

Tại Việt Nam, khi xuất khẩu các hợp đồng với đối tác đều quy định chất lượng hàng hóa được kiểm dịch bởi đơn vị giám định độc lập (Vinacontrol, Cafecontrol, SGS, BV ..). Họ sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên ít nhất 10% tổng số thùng carton của lô hàng, tiến hành phân tích kiểm định mẫu. Nếu hàng đạt chất lượng, họ sẽ phát hành chứng thư. Đây là chứng từ bắt buộc phải cung cấp để khách hàng thanh toán tiền. Do đó, ông Sơn đề nghị nhà chức trách có thể hợp tác với đơn vị giám định độc lập để giảm thời gian và chi phí kiểm định, tạo thêm thông thoáng cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn trên.

Ngoài điều chế biến, các doanh nghiệp trong ngành còn cho biết điều thô nhập khẩu cũng đang gặp khó khi hàng về phải chờ thông quan, rồi mới được đem về cảng. Việc này làm phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp.

Theo doanh nghiệp, một năm ngành điều nhập hơn 80.000 container. Chi phí để tìm kiếm, lấy cẩu gắp một container sang bãi để kiểm hóa tốn 500.000 đồng, một ngày lưu kho bãi, doanh nghiệp phải trả vài chục USD. Một năm hơn 80.000 container điều khô nhập sẽ tốn 120-150 tỷ đồng. Vì vậy, ông Sơn cho rằng nên cho doanh nghiệp đưa hàng về kho để tiết kiệm được khoản chi phí

Trước phản ánh của doanh nghiệp, ông Lê Sơn Hà – Trưởng phòng kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng đối với điều thô, theo quy định doanh nghiệp không được đưa về kho. Quy định này, các nước đều đang áp dụng. Việt Nam nhập điều thô đa phần từ châu Phi – nơi đây phổ biến các con mọt nguy hại. Nếu không kiểm dịch kỹ, nó có thể lây lan cho các vùng trồng của Việt Nam. Do đó, Cục Bảo vệ Thực vật phải kiểm định kỹ, diệt chúng ngay tại cửa khẩu nên điều thô nhập khẩu không thể đưa về kho doanh nghiệp khi chưa thông quan và kiểm dịch.

Riêng với điều đã chế biến, ông Hà cho rằng đây là sản phẩm không có nguy cơ về sâu mọt gây hại. Do đó, trong quá trình xem xét, Cục đang chủ động đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bỏ khâu kiểm dịch.

“Chúng tôi cũng mong đề xuất này sớm được thông qua để doanh nghiệp bớt khó khăn”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Hà, các doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu kỹ các quy định về xuất khẩu. Đối với các quốc gia nhập khẩu chỉ yêu cầu giấy chứng nhận kiểm định của bên giám định độc lập mà không cần giấy từ nhà chức trách, Cục sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xem xét không cần kiểm dịch.

Cục Bảo vệ Thực vật cũng đề nghị các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu. Đặc biệt, với các mặt hàng nông sản cần đảm bảo mã vùng trồng và cơ sở đóng góp cần đáp ứng theo đúng quy định.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *